Chủ nhật, 20/04/2025, 10:43[GMT+7]

Lan tỏa tiếng Việt và hình ảnh Việt Nam hiện đại tới bạn bè Mỹ

Thứ 5, 17/04/2025 | 17:22:07
447 lượt xem
Giáo sư Kiều Linh mong muốn trong tương lai, Việt Nam cũng như các nước có đông người Việt sinh sống đầu tư nhiều hơn cho các chương trình dạy tiếng Việt cho kiều bào để tăng sự kết nối với nguồn cội.

Lớp dạy tiếng Việt cho trẻ em tại thành phố New York, Mỹ. (Ảnh: Lê Hoàng/TTXVN)

Dù hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau song cả Giáo sư Kiều Linh Caroline Valverde ở bang California và doanh nhân Katherine Lam ở bang Oregon đều có chung một mục tiêu là gìn giữ tiếng Việt và quảng bá hình ảnh Việt Nam hiện đại tới bạn bè quốc tế để người Mỹ có cái nhìn sâu sắc, toàn diện và tích cực hơn về Việt Nam ngày nay.

Trong cuộc trao đổi gần đây với phóng viên TTXVN tại Mỹ, Giáo sư Kiều Linh, Giám đốc sáng lập Sáng kiến Nghiên cứu Việt Nam mới (New Vietnam Studies Initiative) tại Đại học California, cho biết do lớn lên tại Mỹ nên ban đầu tiếng Việt của bà rất hạn chế. Năm 1993, khi lần đầu quay về Việt Nam, bà đã có cơ hội học thêm tiếng Việt tại trường đại học.

Bà nhớ lại, khi đó ở Mỹ hoàn toàn chưa có lớp dạy tiếng Việt, khác xa so với ngày nay khi đã có rất nhiều trung tâm giảng dạy tiếng Việt cùng với sự hỗ trợ của công nghệ cho việc dạy và học ngôn ngữ.

Theo nữ Giáo sư chuyên ngành nghiên cứu về người Mỹ gốc Á này, cùng với sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam và những nét văn hóa đặc sắc, ngày càng nhiều người, không chỉ người gốc Việt, quan tâm đến việc học tiếng Việt, trong đó có một bộ phận người Mỹ.

Đặc biệt, cộng đồng người Việt sinh sống tại Mỹ qua nhiều thế hệ thường có mong muốn tìm hiểu về cội nguồn nên nhu cầu học tiếng Việt ngày càng tăng.

Bà Kiều Linh mong muốn trong tương lai, Việt Nam cũng như các nước có đông người Việt sinh sống sẽ đầu tư nhiều hơn cho các chương trình dạy tiếng Việt ở nước ngoài, bởi đây là nhu cầu thực chất cần được quan tâm.

Cô giáo Nguyễn Phương Chung, giảng viên Khoa Ngôn ngữ, Đại học Columbia tại buổi khai giảng lớp học tiếng Việt cho trẻ em tại New York. (Ảnh: Lê Hoàng/TTXVN)

Giáo sư Kiều Linh cho biết hiện rất ít trường học tại Mỹ thực sự đầu tư bài bản cho các lớp dạy tiếng Việt, Vì thế, bà Kiều Linh đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò chủ động của cộng đồng người Việt ở nước ngoài trong việc thúc đẩy và duy trì tiếng Việt.

Bà mong muốn sẽ có sự phối hợp giữa cộng đồng với các tổ chức kiều bào và Chính phủ Việt Nam để có nguồn lực đầu tư xứng đáng cho công việc này.

Cũng theo nữ Giáo sư đã có đồ án Tiến sỹ nghiên cứu về Việt Nam và châu Á, đồng thời có hơn 20 năm giảng dạy tại Đại học UC Davis, phần lớn các lớp học tiếng Việt tại Mỹ hiện nay vẫn do cộng đồng tự tổ chức và thiếu tính hệ thống.

Bản thân Giáo sư Kiều Linh cũng đang tự dạy tiếng Việt cho con nên cũng nhận thấy việc thiếu môi trường học đường với những tiết học bài bản sẽ không thực sự hiệu quả.

Trong suốt 20 năm dạy tại Đại học UC Davis, năm nào Giáo sư Kiều Linh cũng đề xuất nhà trường đưa môn tiếng Việt vào chương trình giảng dạy.

Có thời điểm đề xuất của bà đã được chấp thuận nhưng sau đó phải ngừng lại do thiếu kinh phí. Hiện trường UC Davis vẫn tiếp tục yêu cầu Giáo sư Kiều Linh tự tìm nguồn tài trợ nếu muốn mở lớp học tiếng Việt.

Cách đây 30 năm khi còn là sinh viên, bà Kiều Linh từng cùng với cộng đồng và bạn bè vận động thành công Đại học California, Berkeley (UC Berkeley) cấp ngân sách mở lớp tiếng Việt cho học sinh tiểu học. Sau này, bà sáng lập Viện Việt Nam Mới với mục tiêu giới thiệu về một Việt Nam hiện đại, năng động và giàu bản sắc.

Cũng trong cuộc trao đổi, Giáo sư Kiều Linh cho rằng sau 50 năm thống nhất, Việt Nam đã thay đổi mạnh mẽ và phát triển nhanh chóng. Theo bà, tại Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác, cộng đồng người Việt luôn hướng về quê hương.

Cô giáo Nguyễn Phương Chung, giảng viên Khoa Ngôn ngữ, Đại học Columbia hướng dẫn học sinh làm quen với tiếng Việt qua trò đố chữ. (Ảnh: Lê Hoàng/TTXVN) 

Nhiều người mong muốn được về Việt Nam ăn Tết, thăm thân hoặc đầu tư kinh doanh. Nhiều người đã rời xa Việt Nam hàng chục năm, thậm chí từ thời thơ ấu, vẫn có ý định trở về sau khi nghỉ hưu.

Nhiều người cùng thế hệ với Giáo sư Kiều Linh thậm chí còn đang nghiêm túc cân nhắc việc trở về Việt Nam sinh sống. Nữ Giáo sư cho rằng Việt Nam có rất nhiều điều thu hút người nước ngoài cũng như cộng đồng Việt kiều trở về sinh sống, làm việc hoặc du lịch dài ngày.

Trong khi đó, từ góc độ doanh nghiệp, chị Katherine Lam, một doanh nhân người Mỹ gốc Việt tại bang Oregon, cho biết đây là bang đầu tiên ở Mỹ triển khai chương trình giảng dạy tiếng Việt tại các trường công lập, không chỉ giới hạn ở môn ngôn ngữ mà còn áp dụng tiếng Việt trong một số môn học khác.

Đây là những kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự đóng góp tích cực và bền bỉ của cộng đồng người Việt tại địa phương.

Cũng theo chị Katherine Lam, bang Oregon có tới 5 nghị sỹ gốc Việt đang tham gia nghị viện. Cách đây 2 năm, 5 nghị sỹ này đã phối hợp vận động thành công khoản tài trợ 2,5 triệu USD cho việc xây dựng trung tâm cộng đồng dành cho người Việt, một dấu mốc quan trọng trong lịch sử của bang.

Ngoài ra, cộng đồng người Việt tại Oregon cũng để lại dấu ấn trong các lĩnh vực kinh doanh, giáo dục và y tế.

Về quan hệ Việt Nam-Mỹ, doanh nhân Katherine Lam cho rằng kể từ khi 2 nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023, quan hệ song phương đã có những tiến triển nhất định.

Hoạt động kinh doanh của công ty chị Katherine Lam cũng có thêm nhiều thuận lợi và phát triển mới. Chị đánh giá đây là tín hiệu rất tích cực đối với cộng đồng doanh nhân Việt kiều, đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước./.

Theo: baocaovien.vn