Thứ 2, 05/05/2025, 21:09[GMT+7]

Tín hiệu tích cực từ kinh tế Eurozone

Thứ 2, 05/05/2025 | 16:05:41
270 lượt xem
Bất chấp những đòn thuế quan từ Mỹ, nền kinh tế Khu vực đồng euro (Eurozone) vẫn cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến trong quý đầu tiên của năm 2025. Trong bối cảnh bức tranh kinh tế thế giới u ám, những điểm sáng từ Lục địa già đã làm vơi bớt nỗi lo về một cuộc suy thoái kinh tế trên quy mô toàn cầu.

Ảnh minh họa.

Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), trong quý I/2025, Eurozone đã ghi nhận mức tăng trưởng 0,4% so với quý IV/2024, cao hơn mức dự báo 0,2% của các chuyên gia phân tích. Trong khi đó, nền kinh tế của 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) ghi nhận tăng trưởng 0,3% trong ba tháng đầu năm 2025. Dữ liệu tốt hơn dự kiến này là nhờ việc các doanh nghiệp Mỹ đẩy mạnh mua hàng hóa châu Âu trước thời điểm các mức thuế quan mới của Mỹ chính thức có hiệu lực.

Tổng thống Trump đã thông báo áp thuế 20% đối với phần lớn hàng hóa châu Âu từ ngày 2/4 trước khi tuyên bố tạm dừng trong 90 ngày, nhưng mức thuế cơ bản 10% trên toàn thế giới vẫn được duy trì. Nếu EU và Mỹ không đạt được thỏa thuận thương mại, mức thuế quan cao hơn sẽ được áp dụng, gây ra một “cuộc chiến thương mại hỗn loạn” và tổn hại nghiêm trọng cho châu Âu. Trong khi đó, hiện tại, mức thuế 25% đối với thép, nhôm và ô-tô nhập khẩu vẫn được duy trì.

Kinh tế châu Âu đã rơi vào tình trạng trì trệ trong hai năm, đặc biệt là do chi phí năng lượng tăng cao sau cuộc xung đột tại Ukraine. Tháng 4 này, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng hằng năm đối với Eurozone xuống còn 0,8% vào năm 2025, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, do lo ngại căng thẳng thương mại với Mỹ sẽ “cản bước” tăng trưởng kinh tế châu Âu. Trước khi Eurozone đạt mức tăng trưởng khả quan trong quý I nêu trên, nhiều chuyên gia cảnh báo triển vọng kinh tế của khối này năm 2025 vẫn ảm đạm.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nhận định, nền kinh tế “đầu tàu châu Âu” là Đức sẽ không tăng trưởng trong năm 2025 do ảnh hưởng từ chính sách thương mại của chính quyền Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Pháp Eric Lombard thông báo, nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone của Pháp dự kiến chỉ đạt mức tăng trưởng 0,7%, thấp hơn mức 0,9% đưa ra trước đó. Tương tự, Chính phủ Italia cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay xuống 0,6%, giảm mạnh so với dự báo 1,2% trước đó.

Bất chấp những đòn thuế quan từ Mỹ, nền kinh tế Khu vực đồng euro (Eurozone) vẫn cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến trong quý đầu tiên của năm 2025. Trong bối cảnh bức tranh kinh tế thế giới u ám, những điểm sáng từ Lục địa già đã làm vơi bớt nỗi lo về một cuộc suy thoái kinh tế trên quy mô toàn cầu.

Trong khi đó, Eurostat ngày 2/5 công bố số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của Eurozone trong tháng 4 vẫn ở mức 2,2%, không đổi so với tháng 3 nhưng sẽ làm phức tạp thêm việc xem xét cắt giảm lãi suất trong cuộc họp vào tháng 6 tới của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong bối cảnh khu vực đang phải chuẩn bị cho tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ. Đây là tháng thứ 6 liên tiếp lạm phát tại Eurozone cao hơn mức mục tiêu 2% và nhỉnh hơn so với mức dự báo 2,1% của các chuyên gia kinh tế. Ở thời điểm hiện tại, các chuyên gia tài chính dự báo 85% khả năng ECB sẽ cắt giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất tại cuộc họp chính sách tiền tệ vào tháng 6 và sẽ có thêm 2-3 lần cắt giảm tương tự vào cuối năm nay.

Triển vọng kinh tế Eurozone nói riêng, châu Âu nói chung đang phụ thuộc nhiều vào việc “cuộc chiến thương mại” giữa hai bờ Đại Tây Dương diễn biến theo chiều hướng nào. Hiện EU và Mỹ đang xúc tiến đàm phán về các mức thuế quan mới. Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhận định, việc Mỹ áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu của châu Âu sẽ khiến tăng trưởng Eurozone giảm khoảng 0,3 điểm phần trăm trong năm đầu tiên.

Nếu châu Âu đáp trả, mức giảm này có thể tăng lên tới 0,5 điểm phần trăm. Mặc dù tác động mạnh mẽ nhất có thể cảm nhận ngay trong năm đầu tiên sau khi mức thuế quan mới có hiệu lực, song Chủ tịch ECB cảnh báo những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế có thể kéo dài. Bà Lagarde cho rằng, EU đang đối mặt với thời khắc quyết định và liên minh phải cùng nhau quyết định để kiểm soát vận mệnh của chính mình và đây chính là “bước đi hướng tới sự độc lập”.

Ngoài ra, bà Lagarde cũng cho biết, với lập trường cứng rắn nhưng linh hoạt EU sẽ không dễ dàng bị khuất phục trong đàm phán với Mỹ. Khối này vừa triển khai Đạo luật Chống bán phá giá (DSA) và Đạo luật Thị trường Nội khối (DMA) để bảo vệ doanh nghiệp châu Âu, đồng thời đàm phán Thỏa thuận Mậu dịch Xuyên Đại Tây Dương (TTIP) phiên bản mới.

Kết quả đàm phán thương mại giữa EU và Mỹ hiện vẫn là một ẩn số và việc kinh tế Eurozone đạt mức tăng trưởng 0,4% trong quý đầu năm nay vẫn chưa đủ mạnh để giúp châu Âu chống chịu được với những tác động từ căng thẳng thương mại toàn cầu do chính sách thuế quan của Mỹ gây ra. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nêu trên vẫn là điểm tựa quan trọng cho EU trong đàm phán thương mại với Mỹ.

Đồng thời, trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan diễn ra gay gắt, tín hiệu tích cực từ Lục địa già cũng làm vơi bớt nỗi lo về một cuộc suy thoái kinh tế trên quy mô toàn cầu.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày