Thứ 4, 30/04/2025, 13:39[GMT+7]

Từ quá khứ hào hùng đến vươn mình phát triển

Thứ 4, 30/04/2025 | 06:36:45
760 lượt xem
Mặc dù nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng thời khắc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, cổng dinh Độc Lập bị húc đổ, lá cờ của quân giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập vẫn in đậm trong tâm trí người dân cả nước, trong đó có nhân dân Thái Bình. Để làm nên thời khắc lịch sử đó, cả dân tộc đã phải hy sinh biết bao xương máu, sức người, sức của, trong đó có đóng góp to lớn của nhân dân Thái Bình. Quá khứ hào hùng ấy đã trở thành động lực tinh thần to lớn để Thái Bình vươn mình phấn đấu trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Sản xuất ở Công ty TNHH Innoflow Vina (cụm công nghiệp Đô Lương, huyện Đông Hưng).

Phát huy tinh thần “Thóc thừa cân, quân vượt mức” 

Với sự chi viện mạnh mẽ từ miền Bắc và quyết tâm thống nhất đất nước, Đảng ta đã lãnh đạo làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975. Góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, Thái Bình là một trong những địa phương tích cực nhất chi viện sức người, sức của cho miền Nam, ghi dấu ấn với thành tích nổi bật “5 tấn thóc để góp phần đánh Mỹ”. Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã huy động cao nhất sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến với tinh thần “Thóc thừa cân, quân vượt mức”. Đảng bộ, nhân dân Thái Bình xác định rõ vai trò là tỉnh trọng điểm về lúa ở đồng bằng Bắc Bộ, là hậu phương lớn trong những hậu phương, nên địa phương phải phát huy cao nhất thế mạnh của tỉnh, lấy nông nghiệp làm trọng tâm; sản xuất lương thực, thực phẩm là quan trọng hàng đầu để đáp ứng cho được nhu cầu lương thực cho đời sống nhân dân và chi viện nơi chiến trường... Bình quân mỗi năm, Nhà nước huy động ở Thái Bình từ 20 - 23% tổng sản lượng lương thực và 30 - 35% số lợn nuôi. Chỉ tính từ năm 1965 - 1974, Thái Bình đã huy động cho Nhà nước 1,4 triệu tấn lương thực, thực phẩm; chi viện trên 1,5 triệu tấn lương thực, thực phẩm, đóng góp gần 1,8 triệu ngày công cho tiền tuyến. 

Cùng với việc chi viện lương thực nhiều nhất cho chiến trường, Thái Bình cũng là địa phương có tỷ lệ người đi bộ đội trong thời kỳ chống Mỹ cao nhất toàn quốc. Từ năm 1955 - 1975, Thái Bình đã tiễn trên 21 vạn thanh niên lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường. Trong đó, hơn 34.000 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, 32.500 người đã hiến dâng một phần xương máu nơi chiến trường, gần 34.000 người nhiễm chất độc da cam/Ðiôxin. Với phong trào “toàn dân đánh giặc”, quân và dân Thái Bình đã anh dũng đánh trả 1.064 trận bằng không quân, hải quân của giặc Mỹ; bắn rơi 44 máy bay các loại; bắn cháy 4 tàu chiến khi chúng đánh phá ven biển Tiền Hải; bắt sống 2 giặc lái, diệt 1 giặc lái. Khắc sâu lời dạy của Bác Hồ, thấm nhuần chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, Ðảng bộ và nhân dân Thái Bình tự hào vì đã có những cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tiếp nối truyền thống anh hùng, bất khuất, những người con ưu tú của Thái Bình lại điểm thêm những dấu son mới trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, tiêu biểu là: Anh hùng Phạm Tuân bắn rơi pháo đài bay B52 của Mỹ, người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ; nhiều nhà tình báo lừng danh như Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Quốc Sắc, Trần Văn Lai, Vũ Hữu Ruật; Bùi Quang Thận - người cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975... 

Vươn mình phát triển 

Nửa thế kỷ qua, tinh thần về chiến thắng 30/4 vẫn luôn lan tỏa niềm tự hào của người dân Việt Nam nói chung và Thái Bình nói riêng. Với mạch nguồn lịch sử được kết tinh qua thời gian và lưu giữ đến hôm nay, Thái Bình đang có trong mình “trụ đỡ” tinh thần quan trọng để kiến tạo, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Trong những năm qua, Thái Bình tập trung phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 71.326 tỷ đồng, tăng 7,01% so với năm 2023; trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,76%, khu vực dịch vụ tăng 6,62%; tổng giá trị sản xuất ước đạt 210.455 tỷ đồng, tăng 6,92% so với năm 2023. 

Sản xuất công nghiệp tiếp tục giữ vững vai trò là đầu tàu của nền kinh tế với mức tăng trưởng 9,19%, tổng giá trị sản xuất ước đạt 106.449 tỷ đồng, trong đó nhiều lĩnh vực có giá trị tăng cao như: chế biến, chế tạo ước đạt 94.136 tỷ đồng, tăng 6,7%; sản xuất truyền tải và phân phối điện đạt 11.657 tỷ đồng, tăng 35%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước đạt 369 tỷ đồng, tăng 4,2% so với năm 2023... Công tác thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc với tổng thu hút vốn đầu tư của tỉnh năm 2024 đạt hơn 38.088 tỷ đồng, trong đó thu hút vốn FDI đạt trên 1 tỷ USD. Đây là năm thứ hai liên tiếp Thái Bình thu hút vốn FDI trên 1 tỷ USD và là năm thứ ba liên tiếp có trên 1.000 doanh nghiệp mới gia nhập thị trường. Công tác giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, chính vì thế, tỉnh tiếp tục nằm trong tốp dẫn đầu của cả nước về giải ngân vốn đầu tư công; năm 2024, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 169,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và 96% kế hoạch địa phương phân bổ. Công tác thu ngân sách duy trì thành tích là năm thứ ba có số thu nội địa vượt mốc 10.000 tỷ đồng với tổng thu hơn 11.400 tỷ đồng, đạt 132,9% dự toán, tăng 16,5% so với năm 2023. Công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được tập trung chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Nông thôn khởi sắc với diện mạo văn minh, cuộc sống người dân thêm sung túc. 

Trên đà phát triển đó, quý I/2025, Thái Bình tiếp tục ghi dấu ấn với GRDP của tỉnh ước đạt 16.827 tỷ đồng, tăng 9,04% so với cùng kỳ năm 2024. Nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng đều ghi nhận sự tăng trưởng như: thu ngân sách nhà nước đạt 57,9% dự toán, tăng 149,1% so với cùng kỳ với số thu hơn 13.190 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt gần 24.760 tỷ đồng, tăng 19,95% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 670 triệu USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước đạt gần 14.840 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ... Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, các thành phần kinh tế phát triển đa dạng, doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân phát triển nhanh cả về số lượng, quy mô và cơ cấu ngành nghề hoạt động. 

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 12.250 doanh nghiệp và hơn 3.600 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm đăng ký kinh doanh hoạt động với vốn đăng ký hơn 153.000 tỷ đồng. Nhiều dự án trọng điểm được triển khai thực hiện như khu công nghiệp VSIP Thái Bình, dự án phát triển nhà ở khu đô thị mới tại xã Tân Bình và phường Tiền Phong (thành phố Thái Bình), khu đô thị mới Kiến Giang, trung tâm điện - khí LNG, sân golf Cồn Vành, tuyến đường Thái Bình - cầu Nghìn, khu công nghiệp dược sinh học Quỳnh Phụ, cao tốc CT.08, sân golf Quỳnh Phụ, khu đô thị du lịch sinh thái Cồn Vành... 

Trong những ngày tháng tư lịch sử, cùng với cả nước, Thái Bình đang dồn sức thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp với tinh thần khẩn trương, quyết liệt. Sự chủ động nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị và truyền thống lịch sử, cách mạng hào hùng sẽ trở thành nền tảng, động lực quan trọng đưa Thái Bình vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đến nay, khu công nghiệp Liên Hà Thái (Thái Thụy) thu hút hơn 30 dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư hơn 1,6 tỷ USD. Ảnh: Nguyễn Thơi.

Minh Hương