Thứ 2, 28/04/2025, 19:56[GMT+7]

Đưa sản phẩm OCOP ra thị trường

Thứ 2, 28/04/2025 | 08:38:41
926 lượt xem
Thái Bình là đất trăm nghề, chính vì vậy mỗi địa phương đều có những sản phẩm trở thành đặc sản mang theo tên đất, tên làng. Đến nay, toàn tỉnh có 216 sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao. Để giúp các chủ thể đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và lan tỏa thương hiệu, rất cần những mô hình mở đường cho sản phẩm OCOP vươn ra thị trường.

Người tiêu dùng yên tâm khi đến mua sắm tại điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ở thành phố Thái Bình do Sở Công Thương lựa chọn xây dựng.

Đầu năm 2025, Sở Công Thương phối hợp với Hội Nông dân thành phố Thái Bình tổ chức khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại phường Bồ Xuyên. Cửa hàng có diện tích 80m2, các kệ hàng được lấp đầy bởi hơn 100 sản phẩm OCOP thuộc nhiều ngành hàng, từ nông sản tươi, thủy sản, các sản phẩm chế biến sẵn cho tới thủ công mỹ nghệ đến từ các vùng miền, trong đó có hơn 50 sản phẩm OCOP của tỉnh. Đây vừa là không gian trưng bày vừa là một trung tâm kết nối giữa sản phẩm đặc trưng của các địa phương với người tiêu dùng. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố cho biết: Cửa hàng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, giúp các sản phẩm OCOP được biết đến rộng rãi, đồng thời tạo cơ hội để các cơ sở sản xuất của tỉnh tìm đầu ra ổn định. Chúng tôi mong muốn sản phẩm OCOP của Thái Bình tiêu thụ tại chỗ và có thể vươn xa, đi đến các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, thậm chí là xuất khẩu, từ đó mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho nông dân. 

Tại điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, người tiêu dùng có thể tìm thấy các sản phẩm đặc trưng của Thái Bình có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; từ những món ăn dân dã như: cốm, bánh cáy... đến các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thảo dược, nông sản sạch như: trà thảo mộc AP Phú Hưng, nước mắm Tiền Châu... Chị Trần Thị Dịu, phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) - một người tiêu dùng thường xuyên mua sản phẩm tại cửa hàng OCOP bày tỏ: Tôi cảm thấy yên tâm khi mua sản phẩm tại đây. Không chỉ vì chất lượng bảo đảm mà còn vì mỗi sản phẩm đều mang đậm hương vị của quê hương. Tôi thường mua sản phẩm làm quà biếu cho người thân, bạn bè ở xa, ai cũng khen ngon và hợp khẩu vị. 

Theo khảo sát, khách hàng đến mua sắm tại điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP không chỉ là người dân địa phương mà còn có những khách du lịch, thương nhân từ các tỉnh nên tạo cơ hội tốt lan tỏa thương hiệu và tăng thị phần cho sản phẩm OCOP. Là doanh nghiệp có sản phẩm được giới thiệu tại cửa hàng, ông Vũ Xuân Duẩn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại AP Phú Hưng (Hưng Hà) chia sẻ: Khi sản phẩm được đưa vào điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, chúng tôi cảm thấy rất tự hào. Đây là cơ hội tốt để sản phẩm truyền thống của chúng tôi được biết đến nhiều hơn không chỉ ở tỉnh Thái Bình mà còn ở các địa phương khác. Cửa hàng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các cơ sở sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ của Sở Công Thương và các cơ quan liên quan, bên cạnh bán được hàng, chúng tôi còn được giúp đỡ về việc cải tiến, đổi mới mẫu mã, bao bì giúp sản phẩm dễ dàng tiếp cận thị trường hiện đại. 

Nhằm đồng hành với phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nhất là hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP, Sở Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Bà Tô Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức nhiều khóa tập huấn cho các chủ thể OCOP về bán hàng trực tuyến, kỹ năng sử dụng các sàn thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại, khoảng 100 sản phẩm OCOP của Thái Bình đang có mặt trên các nền tảng thương mại điện tử. Đặc biệt, chúng tôi đã xây dựng hệ thống điểm bán hàng Việt tại các huyện, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại thành phố và tổ chức nhiều chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, tạo cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng, giúp các sản phẩm nông sản của Thái Bình được lan tỏa rộng rãi hơn. Đây là mô hình quan trọng thúc đẩy tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP cho người dân, bảo vệ thương hiệu đặc sản quê hương và góp phần phát triển kinh tế bền vững cho các địa phương trong tỉnh.

Sản xuất sản phẩm OCOP tại cơ sở sản xuất bánh cáy, kẹo lạc Việt Hương, xã Nguyên Xá (Đông Hưng).

Khắc Duẩn