Thứ 4, 30/04/2025, 01:36[GMT+7]

Ký ức những ngày tháng tư lịch sử

Thứ 3, 29/04/2025 | 15:34:13
701 lượt xem
Với mỗi người dân Việt Nam, ngày 30/4/1975 là một ngày trọng đại, đó là ngày Bắc - Nam sum họp một nhà, non sông nối liền một dải. Dù đã nửa thế kỷ trôi qua, nhưng mỗi độ tháng tư về, âm vang của ngày lịch sử ấy vẫn dấy lên trong lòng những người lính từng vào sinh ra tử và triệu trái tim người dân cả nước niềm xúc động thiêng liêng, tự hào về một thời hào hùng của dân tộc.

Cựu chiến binh Tô Duy Thìn (người ngồi giữa), thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) vẫn nhớ như in những ngày tháng xông pha trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

Người lính pháo binh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh 

Vinh dự có mặt trong đoàn quân tham gia đánh chiếm các vị trí quan trọng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cựu chiến binh Tô Duy Thìn, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) vẫn nhớ như in những ngày tháng xông pha. Quay ngược thời gian trở về quá khứ, cựu chiến binh Tô Duy Thìn nhớ lại: Tôi nhập ngũ tháng 4/1970, sau vài tháng huấn luyện, tôi được điều động vào chiến trường Campuchia. Đến cuối năm 1971, tôi hành quân về đóng quân tại Sài Gòn - Gia Định, vùng đất luôn trong cảnh bom đạn. Sau chiến dịch đường 14 - Phước Long, cuối tháng 1/1975, Trung ương Cục miền Nam khẳng định lực lượng vũ trang B2 có đủ khả năng tự giải phóng các địa phương trên địa bàn. Từ đó, Trung ương quyết định mở chiến dịch từ Tây Ninh xuống Quân khu 8, Quân khu 9, chia cắt tuyến quốc lộ 4 nối Sài Gòn với đồng bằng sông Cửu Long. Thực hiện kế hoạch, Trung ương quyết định thành lập một đơn vị chủ lực có quy mô cấp quân đoàn. Để giữ bí mật, đơn vị lấy phiên hiệu Đoàn 232. Đoàn 232 được thành lập đầu tháng 2/1975, biên chế ban đầu của Đoàn gồm: Sư đoàn 5, Sư đoàn 3, Trung đoàn 16, các đơn vị pháo binh, xe tăng, thông tin, công binh... Tôi thuộc đơn vị pháo binh. Ngay sau khi thành lập, Đoàn 232 khẩn trương thực hiện nhiệm vụ đánh địch từ Tây Ninh xuống Kiến Tường, làm chủ vùng phía tây sông Vàm Cỏ Đông, đánh chiếm khu Dầu Tiếng, tiến công nhiều căn cứ. 

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm nhớ nhất và không thể nào quên đối với tôi là chiếm lĩnh Trung tâm ra- đa Phú Lâm - nơi được xem là “mắt thần” của chế độ Sài Gòn lúc bấy giờ. Trung tâm ra-đa Phú Lâm nằm án ngữ phía Tây thành phố, là đầu mối quan trọng trong mạng lưới cảnh giới, dẫn đường và liên lạc không quân của Mỹ ngụy. Trong thế trận thần tốc của chiến dịch, nhiệm vụ đánh chiếm Trung tâm Phú Lâm được giao cho đơn vị phối hợp chặt chẽ giữa đặc công, bộ binh và trinh sát kỹ thuật. Bằng phương pháp hiệp đồng chặt chẽ, tấn công bất ngờ và quyết đoán, đơn vị đã thần tốc đánh chiếm và làm chủ hoàn toàn trung tâm này chỉ trong thời gian ngắn. Đây được xem là một trong những đòn đánh quyết định, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975. Hôm đó, Sài Gòn đông vui lắm, hai bên đường, người dân đứng chật kín, ai cũng hân hoan, vui sướng, tay vẫy cờ, hoa chào đón đoàn quân tiến vào. Với những người lính chúng tôi, đó là giây phút lịch sử không thể nào quên. Trong giây phút hạnh phúc đó, chúng tôi cảm thấy chạnh lòng vì không ít đồng đội đã nằm xuống, không được chứng kiến miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. 50 năm trôi qua, giờ đây ký ức về không khí sục sôi chiến đấu khắp các chiến trường miền Nam khiến tôi không thể nào quên mỗi dịp tháng tư về. 

Ký ức về chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975 vẫn vẹn nguyên trong trái tim cựu chiến binh Nguyễn Sỹ Hùng (người ngoài cùng bên phải), xã Thụy An (nay là xã An Tân, Thái Thụy).

Một thời máu lửa 

Những ngày tháng tư lịch sử cũng là dịp cựu chiến binh Nguyễn Sỹ Hùng, xã Thụy An nay là xã An Tân (Thái Thụy) nhớ lại những ngày máu lửa nhiệt huyết cống hiến của tuổi trẻ. Ông bồi hồi kể lại: Tôi nhập ngũ ngày 24/8/1973, ban đầu được biên chế vào Tiểu đoàn 944, Trung đoàn 51 đóng tại huyện Quỳnh Phụ. Sau thời gian huấn luyện, đến tháng 3/1974, tôi hành quân vào chiến trường Hoài Ân, tỉnh Bình Định, nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Tháng 2/1975, cùng đơn vị, tôi tiếp tục chiến đấu theo hướng tấn công từ Bình Định đánh vào Quy Nhơn, Phan Rang, rồi tiến thẳng Vũng Tàu. Trong những ngày cuối tháng 4/1975, khi chiến dịch Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn tổng tiến công, Vũng Tàu trở thành một trong những mục tiêu chiến lược quan trọng. Lực lượng địch tại đây bao gồm khoảng 40.000 quân, tương đương 5 sư đoàn, được bố trí thành các cụm phòng thủ, với trọng điểm là khu vực cầu Cỏ May, cầu Cây Khế. Để đối phó với tình hình này, các đơn vị chủ lực của ta, gồm Sư đoàn 3 Sao Vàng, Trung đoàn 2, Tiểu đoàn 445 và lực lượng đặc công thủy đã triển khai các mũi tiến công từ nhiều hướng. Tôi nhớ như in khoảnh khắc đơn vị tiến đánh Trường Thiếu sinh quân của ngụy quyền ở Vũng Tàu, nơi từng là trung tâm đào tạo lực lượng tay sai khét tiếng chuyên đàn áp cách mạng. Trong trận đánh quyết liệt ấy, đơn vị đã làm chủ mục tiêu, góp phần quan trọng giải phóng Vũng Tàu. Song, để giành được thắng lợi, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Hình ảnh đồng chí Nguyễn Văn Minh, quê ở xã Thái Xuyên, hy sinh chỉ ít phút trước giờ chiến thắng, vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi. Cõng đồng đội trên vai, người tôi nhuộm đầy máu, một ký ức không thể nào phai về một thời máu lửa, hào hùng và thiêng liêng. Thời khắc miền Nam hoàn toàn giải phóng, đơn vị tôi đang có mặt tại Vũng Tàu. Nhận được tin chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, cả đơn vị vỡ òa trong niềm vui khôn tả. Lúc đó khắp Vũng Tàu, khúc ca khải hoàn “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” vang lên rộn rã, hòa cùng niềm tự hào và hạnh phúc của dân tộc trong giờ phút đất nước hoàn toàn thống nhất. 

Ký ức hào hùng và những kỷ niệm xúc động trong thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chắc chắn còn đọng mãi trong tâm trí của cựu chiến binh Nguyễn Sỹ Hùng và những người lính “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Tháng tư lịch sử, cùng các cựu chiến binh ôn lại ký ức hào hùng năm xưa như thêm một lần nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay hiểu và trân trọng hơn giá trị của hòa bình, biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho nền độc lập, tự do của dân tộc.

Cuốn nhật ký ghi kỷ niệm trong chiến dịch Hồ Chí Minh của cựu chiến binh Nguyễn Sỹ Hùng, xã Thụy An (nay là xã An Tân Thái Thụy).

Nguyễn Thắm

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày