Vua Bá Vành
Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đồn Cả - Phan Bá Vành (xã Hồng Vũ, huyện Kiến Xương). Ảnh tư liệu
Phan Bá Vành sinh trong gia đình nông dân nghèo. Cha là Phan Quang ở làng Minh Giám, mẹ là Mai Thị Vẻ, quê làng Cọi Khê (nay là xã Vũ Hội, Vũ Thư). Không có ruộng cấy, cha mẹ ông mưu sinh bằng nghề bán cá giống và chèo đò. Từ thuở ấu thơ, Phan Bá Vành đã tắm mình trong cảnh khốn cùng của những người nông dân nghèo khó. Do có sức khoẻ, lại có sở trường về võ nghệ và tính khí cương nghị, không cam chịu cuộc sống bất công nên ý chí chống áp bức, cứu dân lành sớm nung nấu và thôi thúc Phan Bá Vành đứng lên làm cuộc khởi nghĩa. Được tin chàng trai họ Phan tụ nghĩa, nhiều nghĩa sĩ trong vùng, trong đó Nguyễn Hữu Cầu là một phú hào có thế lực cùng quê làng Minh Giám đã sớm sát cánh cùng ông bí mật chuẩn bị lương thực, khí giới lập căn cứ đầu tiên tại bãi biển Tiền Châu, nay là Đồng Châu (Tiền Hải).
Sau đó, Nguyễn Hữu Cầu đã cùng Phan Bá Vành nổi dậy khởi nghĩa ở núi Voi (Hải Phòng). Bộ chỉ huy nghĩa quân của Phan Bá Vành vào buổi đầu đã có những tên tuổi như Tổng Cần, Vũ Đức Cát, Nguyễn Hạnh, Ngô Trác Quán... Về lực lượng nghĩa quân, ngay từ giai đoạn đầu, khi nghĩa quân hoạt động ở Hải Dương đã có tới 5.000 người. Sau đó, thêm mấy ngàn quân nữa của nghĩa quân Ba Hùm từ thượng du Thanh Hóa kéo xuống, cùng với nghĩa quân các tỉnh kéo về, lực lượng của cuộc khởi nghĩa lên tới hàng vạn.
Cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành không chỉ là cuộc khởi nghĩa nông dân điển hình miền ven biển Thái Bình - Nam Định, mà còn là trung tâm của phong trào nông dân các tỉnh miền đồng bằng Bắc Bộ. Phong trào khởi nghĩa từ Hải Dương lan sang Nam Định tới Sơn Tây... Một số đội lính nhà Nguyễn ở Phủ Lý, Hòa Bình, Văn Yên cũng đi theo nghĩa quân. Nhiều toán nghĩa quân nổi dậy ở Lâm Thao, Phù Ninh (Phú Thọ), Gia Lâm, Đan Phượng (Hà Nội), Ân Thi, Tiên Lữ (Hưng Yên)... cũng tìm đến hợp binh. Từ thanh thế đó, nghĩa quân Phan Bá Vành đã liên kết với nhiều toán quân khởi nghĩa khác ở Bắc Bộ và Thanh Hóa. Đại Nam thực lục là một bộ quốc sử chính thống dưới thời Nguyễn đã nhiều lần chép lời vua Minh Mệnh: “Đảng giặc ở Hải Dương nhiều lần chống cự với quan quân thế tất thông đồng với các toán khác. Khiến ta phải chia sức quân đối phó”; “Dân mọn bị giặc dụ dỗ, một khi thấy quan quân thì đáng lý phải tự quay giáo, sao còn đua nhau cầm giáo mà đánh nhau với quan quân. Đại khái dân không yên phận cày ruộng, mà rủ nhau làm giặc thì tất có cớ, làm sao chỉ đổ cho giặc chuyện dụ dỗ”; “Bị quan quân đánh tan lại hợp, dẫu đàn bà con gái cũng cầm giáo mác mà đánh. Các toán giặc như tổ ong, hang kiến, toán nào riêng toán nấy”...
Những hoạt động ban đầu của nghĩa quân ở núi Voi (An Lão, Kiến An) từng làm chấn động miền duyên hải Bắc Bộ. Có thể kể đến một số trận chiến đấu tiêu biểu như:
- Trận Cổ Trai (Hải Dương): Nghĩa quân từ Đồ Sơn tiến đánh, xông vào cửa Tam Giang cướp được một thuyền binh. Sáng hôm sau, nghĩa quân lại kéo đến sông Cổ Trai (làng Cổ Trai bấy giờ đang là đồn binh của triều đình). Trấn thủ Hải Dương không dám đến cứu nguy, vệ úy và cai đội cố chống giữ đều bị chết, binh lính tan chạy, thuyền ghe, khí giới đều bị nghĩa quân chiếm hết.
- Trận Cồn Tiền (Thái Bình): Sau khi đánh chiếm hai cửa biển Trà Lý, Lân Hải và giết chết cả hai viên thủ ngự, nghĩa quân kéo đến bãi nổi Cồn Tiền ở cửa sông Trà Lý bố trí trận địa mai phục, đánh tan quân tướng nhà Nguyễn, thu hết khí giới thuyền bè. Ít lâu sau, nghĩa quân kéo về hạ phủ thành Kiến Xương (phủ Bo) rồi lại rút đi. Dân gian còn lưu truyền: “Đem quân ra đánh phủ Bo ba ngày/Đánh rồi lại rút về ngay/Đánh cho tan tác biết tay Bá Vành”.
- Trận Liêu Đông (Nam Định): Là trận tập kích táo bạo của nghĩa quân vào doanh trại dã chiến của quân triều đình do thông tướng Phạm Văn Lý chỉ huy, khi đại quân của Văn Lý vừa đặt chân tới địa đầu căn cứ Trà Lũ. Theo Minh Đô sử: “Nghe tin Phạm Văn Lý tới, Vành từ Kiến Xương đem quân về, nhân đêm lấy 5.000 quân mạnh khỏe ngầm qua sông. Quân đều cởi trần, lấy bẹ chuối làm khố, tay cầm dao dài xông thẳng tới đánh Văn Lý... Quân của Vành xông vào đánh hai ba lần nhưng không được bèn rút đi”.
- Trận Trà Lũ (Nam Định): Sau chiến thắng của nghĩa quân ở Cổ Trai, phủ Bo, Tam Giang, Đồ Sơn, Liêu Đông; vua Minh Mạng cử Thống chế Trương Văn Minh, các Tham hiệp Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đức Nhuận phối hợp với Trấn thủ Hải Dương và quan quân các trấn Sơn Nam, Nam Định, Sơn Tây, Bắc Ninh tiến đánh nghĩa quân. Minh Mạng cử thêm hai Quản cơ Thanh Hóa và Nghệ An đem thủy quân ra chặn đường biển vùng Hải Dương. Nghĩa quân đẩy mạnh hoạt động ở phủ Thiên Trường, Kiến Xương. Minh Mạng lại cử Phó tướng Ngô Văn Vĩnh điều hai vệ quân ở Kinh thành Huế ra Bắc phối hợp với vệ thần sách ở Nghệ An viện trợ. Lại ủy cho viên tướng đắc lực và Thông cơ Phạm Văn Lý đem lính, voi, hỏa khí chia đường tiến đánh. Phan Bá Vành rút quân về xây dựng và củng cố căn cứ Trà Lũ, đào hào, đắp lũy để chống cự lâu dài, đặt đại bản doanh ở thôn Phú Nhai. Lực lượng nghĩa quân khi rút về Trà Lũ còn khoảng 2.000 người. Lương thực tiếp tế khó khăn. Trong lúc đó triều đình Minh Mạng tập trung lực lượng áp đảo gồm cả thủy binh, bộ binh, tượng binh, pháo binh để bao vây tứ phía và ngày càng thắt chặt vòng vây. Triều đình cử các danh tướng dày dạn kinh nghiệm như Trương Văn Minh, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đức Nhuận, Phạm Văn Lý... Lại huy động những cơ đội binh lính tinh nhuệ nhất từ kinh thành Huế và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa kéo ra Bắc phối hợp với quan quân của các tỉnh thành ngoài Bắc, tạo nên một ưu thế áp đảo hòng bao vây kéo dài khiến nghĩa quân bị cạn kiệt lương thực và phải đầu hàng. Một số nguồn tài liệu cho biết triều đình còn dùng kế mĩ nhân xảo quyệt hòng để bắt Phan Bá Vành. Trần chi tộc phả chép: “Bị tấn công bất ngờ, Vành không kịp điều binh, bèn cùng tướng sĩ và các quân ô hợp khác giao chiến với quan quân ở Nội Thái Bằng (Nam Định) từ giờ ngọ đến giờ thân, không lúc nào ngớt. Quân Vành thua chết quá nửa; số còn lại chạy về trại biết khó đứng vững, muốn tìm đường ra biển tính việc chống trả. Nhưng các cửa sông đều bị quan quân phòng triệt hết, không còn cách nào chạy thoát”. Cũng theo Trần chi tộc phả: “Vành thu tàn quân đào sông dài ước 2.000 thước (800 mét) gọi là sông Xẻ, cống là cống Vành, một đêm đào xong. Đem thuyền ra biển, rạng đông quan quân đuổi theo, hai bờ súng bắn, quân Vành bị chết gần hết. Vành một mình trốn thoát vào bãi lau sậy, hai ngày sau bị khát nước quá, đi tìm nước bị Tổng trưởng Hoành Nha là Lê Điển trinh sát bắt về”. Minh đô sử cho biết: “Nước cạn, thuyền mắc, đạn đại bác như mưa dồn dập. Vành bị thương ẩn nấp ở đống lau sậy trên bờ tả sông Hồng, chỉ có tên Vò cầm một ống tre vầu đi theo. Vành nấp đã sáu ngày, sai Vò đi múc nước rửa chân. Một người đi bắt cua trông thấy kinh sợ, hỏi ra biết là người đàn bà ở xã Hoành Nha. Vành hỏi có biết cai tổng Lê Tuấn không? Nó là lớp con em của ta, về nhắn nó tới đây, ta sẽ giao cả thân ta cho nó. Lê Tuấn bèn đóng một cũi gỗ lớn. Ba Vành mặc áo xanh, chít khăn đỏ cúi đầu ngồi yên... Khi giải tới xã Đồng Phù, huyện Thượng Nguyên thì Bá Vành tự tử, thi thể bị chặt làm bốn đoạn, cắt đầu đem bêu khắp bốn trấn”.
Cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành thất bại và bị dìm trong máu, nhưng tinh thần chiến đấu anh dũng của nghĩa quân còn vang vọng mãi truyền thống đấu tranh xã hội bất khuất của nông dân Thái Bình.
Nguyễn Thanh
Vũ Quý, Kiến Xương
Tin cùng chuyên mục
- Đưa múa rối nước đến gần hơn với thế hệ trẻ 16.03.2025 | 09:59 AM
- Tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Học tập suốt đời” 13.03.2025 | 09:44 AM
- Thành phố: 133 giáo viên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi năm học 2024 - 2025 17.12.2024 | 16:12 PM
- Tiền Hải: Khánh thành nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tại xã Vân Trường 16.12.2024 | 17:56 PM
- Thành phố: Hơn 400 hộ dân được chi trả tiền bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng 08.11.2024 | 16:16 PM
- Vũ Thư tổ chức đêm hội hoa đăng tưởng niệm 1.008 năm ngày Thánh đản (1016 - 2024) 17.10.2024 | 10:47 AM
- Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố: Tổ chức chuyên đề thay sách giáo khoa mới lớp 9 11.10.2024 | 17:54 PM
- Hội thảo khoa học: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh 07.10.2024 | 17:12 PM
- Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 16.09.2024 | 17:13 PM
- Bắt giữ tàu khai thác cát trái phép trên sông Hóa 30.08.2024 | 15:32 PM
Xem tin theo ngày
-
Đoàn công tác tỉnh Thái Bình thăm Trường THCS Thái Bình tại huyện Càng Long
- Lãnh đạo 2 tỉnh Trà Vinh - Thái Bình dâng hương, dâng hoa tưởng niệm tại Đền thờ Bác Hồ, Nghĩa trang liệt sĩ và Bia chiến thắng tỉnh Trà Vinh
- Họp mặt giao lưu Trà Vinh - Thái Bình “Thủy chung son sắt - thắm đượm nghĩa tình”
- Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng các chức sắc, tăng ni, tín đồ Phật tử tại huyện Vũ Thư
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy thăm, chúc mừng các chức sắc, tăng ni, tín đồ Phật tử tại huyện Quỳnh Phụ
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng các chức sắc, tăng ni, tín đồ Phật tử tại huyện Kiến Xương
- Ra quân tuần tra kiểm soát vũ trang, phòng chống tội phạm
- Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất của HĐND tỉnh: Ban hành 2 Nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh
- Quyết liệt xử lý các tồn tại để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án, công trình chậm tiến độ