Tài năng nhí của làng chèo Khuốc
Quách Hà Linh thể hiện vai Thị Kính (áo nâu) cùng diễn viên nhí của làng chèo Khuốc.
Lớn lên trong cái nôi của nghệ thuật chèo
Bố mẹ đều là nhạc công đi làm xa nhà nhiều năm nay, ở cùng ông bà nội, Hà Linh lớn lên trong lời ru là những làn điệu chèo cổ mượt mà, đằm thắm, trữ tình của mảnh đất quê hương - niềm tự hào của những người dân làng Khuốc. Ông bà đều sinh hoạt trong câu lạc bộ chèo của làng, bà lại là chủ nhiệm câu lạc bộ nên những ngày không đến lớp em theo ông bà tập chèo, hát chèo. Những lời ca, điệu múa từ lúc nào đã trở nên gần gũi như hơi thở đối với Hà Linh. Bà Phạm Thị Cậy - bà nội của Hà Linh trước đây là diễn viên đoàn chèo tỉnh Lai Châu nhưng vì đam mê với hồn chèo Khuốc nên năm 1984 bà đã trở về làng Khuốc để học những làn điệu chèo mượt mà. Hiện bà là chủ nhiệm câu lạc bộ chèo của làng, luôn nỗ lực với nhiều hoạt động truyền dạy chèo cổ. Bà kể, các nghệ nhân chỉ dạy bằng cách truyền khẩu và làm mẫu động tác cho mình bắt chước chứ không dạy xướng âm như bây giờ. Cùng một làn điệu, tiết tấu như nhau nhưng phong cách chèo Khuốc mộc mạc, giản dị, rộn rã và xao động hơn. Lối hát chèo Khuốc không đi sâu vào nhịp phách phức tạp, không nhả chữ theo lối khôn ngoan nhà nghề, không làm lẫn phụ âm. Có lẽ vì vậy mà khi đến với cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình, Hà Linh mang màu sắc rất riêng của sự mộc mạc trong từng lời ca, chinh phục ban giám khảo cùng khán giả bởi tố chất nghệ thuật thay vì những màn thể hiện hào nhoáng.
Nhận thấy niềm đam mê với nghệ thuật chèo của Hà Linh lớn dần theo năm tháng, ông bà cho em tham gia lớp truyền dạy bảo tồn nghệ thuật chèo làng Khuốc, nơi em cùng các bạn đồng trang lứa được các nghệ nhân truyền dạy về các làn điệu, tích chèo cổ. Năm này qua năm khác, cứ tới ba tháng hè và những ngày nghỉ, dịp cuối tuần, nhà thờ tổ chèo lại rộn ràng tiếng hát, điệu múa của những cô bé như Hà Linh. Bền bỉ từng ngày, qua lớp học, em hiểu được những sáng tạo nghệ thuật mà người dân làng Khuốc đã có từ bao đời nay, cũng từ đó mà hiểu tại sao từ sân khấu dân gian, chiếng chèo quê hương đã từng hiện diện trong chốn cung đình của các vương triều phong kiến... Đó cũng là lý do ở vòng bán kết của cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình, Hà Linh đã xuất sắc với màn thể hiện “Ván cờ tiên” - một trong những làn điệu độc đáo không đâu có được của quê mình.
Yêu thích những vai nữ chín trong chèo
Hồn nhiên, tinh nghịch, có phần cá tính nhưng càng hiểu nhiều về những tích chèo cổ, Hà Linh càng dành nhiều tình cảm cho những vai nữ chín trong chèo. Đó là thân phận những người phụ nữ thường chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh trong cuộc sống, tâm hồn chất chứa nhiều ưu tư, trăn trở nhưng luôn cao thượng, giàu lòng nhân ái, vị tha. Vì vậy, trong đêm chung kết, với vai diễn Thị Phương ở trích đoạn “Thảm trần tình” trong vở chèo cổ “Trương Viên”, em đã mang đến cho khán giả sự xúc động, nỗi xót xa khi diễn tả thành công người con dâu bằng lòng đánh đổi đôi mắt của mình để cứu mẹ chồng.
Chia sẻ về Hà Linh, bà Vũ Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh, thành viên Ban tổ chức cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình chia sẻ: Khi Hà Linh bước chân ra sân khấu, NSND Thanh Ngoan trong vai trò thành viên Ban giám khảo đã phải thốt lên: “Nữ chín của làng chèo đây rồi”. Quả thực, từ khuôn mặt đến dáng vẻ của em đều rất phù hợp cho việc thể hiện những vai nữ chín bởi toát lên vẻ mộc mạc, dịu dàng cùng chất giọng ngọt ngào, truyền cảm. Không chỉ thể hiện xuất sắc vai diễn Thị Phương, Hà Linh còn chứng minh được tố chất với nghệ thuật chèo qua vai diễn Thị Kính trong vở “Quan Âm Thị Kính”, đó là một cô thôn nữ con nhà nghèo với tính cách hiền thục, đoan trang, vừa đẹp người vừa đẹp nết, điển hình của một nhân vật nữ chín trong chèo.
Cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình khép lại nhưng mở ra với Hà Linh nhiều dự định cho bước đường nghệ thuật sắp tới. Nhưng trên tất cả, bảo tồn nghệ thuật truyền thống bằng con người là điều mà lớp lớp người dân làng Khuốc đang nỗ lực thực hiện. Và những tài năng nhí như Hà Linh, từ tình yêu, niềm tự hào về nghệ thuật truyền thống sẽ trở thành thế hệ tiếp nối.
Anh Tú
Tin cùng chuyên mục
- Hội Nhà báo Việt Nam - Hành trình “Về nguồn” 20.04.2025 | 17:10 PM
- Khai mạc lễ hội truyền thống đền A Sào năm 2025 09.03.2025 | 18:18 PM
- Gần 350 vận động viên nữ tham gia hội thi kéo co tại lễ hội đền Trần 14.02.2025 | 17:30 PM
- Thi têm trầu cánh phượng tại lễ hội đền Trần 13.02.2025 | 15:57 PM
- Lễ tế mở cửa đền và dâng hương tại khu lăng mộ các vua Trần 10.02.2025 | 15:12 PM
- Khánh thành trùng tu đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu 16.11.2024 | 16:47 PM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
Xem tin theo ngày
-
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng các chức sắc, tăng ni, tín đồ Phật tử tại huyện Vũ Thư
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy thăm, chúc mừng các chức sắc, tăng ni, tín đồ Phật tử tại huyện Quỳnh Phụ
- Ra quân tuần tra kiểm soát vũ trang, phòng chống tội phạm
- Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất của HĐND tỉnh: Ban hành 2 Nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh
- Quyết liệt xử lý các tồn tại để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án, công trình chậm tiến độ
- Thống nhất chủ trương tiếp nhận Dự án Nhà máy sản xuất ô tô GEL-O&J tại khu công nghiệp Hưng Phú, huyện Tiền Hải
- Thường trực HĐND tỉnh thống nhất thông qua kết quả thẩm tra các nội dung trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất của HĐND tỉnh
- Hội nghị Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ UBND tỉnh
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và các anh hùng liệt sĩ
- Triển khai cuộc giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Kết luận số 44-KL/TW và Kế hoạch số 123-KH/TU