Chủ nhật, 20/04/2025, 11:21[GMT+7]

Nâng cao cảnh giác trước thông tin kích động kỳ thị vùng miền trong thực hiện chủ trương sáp nhập tỉnh của Đảng và Nhà nước

Thứ 7, 19/04/2025 | 16:51:59
938 lượt xem
Chủ trương sắp xếp, sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là quyết sách lớn, mang tầm chiến lược lâu dài của Đảng, Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý và tạo động lực phát triển bền vững. Đây là xu thế tất yếu trong tiến trình đổi mới, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương.

Tuy nhiên, thời gian qua, trên không gian mạng xuất hiện nhiều thông tin sai lệch, xuyên tạc bản chất của chủ trương này, khiến một bộ phận người dân do thiếu thông tin chính thống tỏ ra hoang mang, lo lắng, thậm chí có những phản ứng tiêu cực. Đặc biệt, các thế lực thù địch, phản động đã triệt để lợi dụng tâm lý vùng miền, cố tình kích động kỳ thị, chia rẽ dân tộc, xuyên tạc rằng việc sáp nhập là “xóa tên tỉnh”, “xóa đi lịch sử văn hóa”, nhằm phá hoại sự đồng thuận xã hội.

Những luận điệu này hoàn toàn sai trái, phản động và mang âm mưu sâu xa. Thực tế, việc sáp nhập không làm mất đi giá trị văn hóa, lịch sử của bất kỳ địa phương nào, mà ngược lại, mở ra cơ hội phát triển mới trên nền tảng vững chắc hơn, rộng lớn hơn.

Thái Bình – quê hương của truyền thống hiếu học, cần cù, sáng tạo và cách mạng không nằm ngoài làn sóng ấy. Trong tâm thế chủ động, tỉnh Thái Bình đã và đang tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu đúng, hiểu đủ, tránh bị kích động bởi những thông tin sai sự thật.

Chúng ta cần nhận thức rõ rằng, trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, vùng miền là thủ đoạn rất nguy hiểm. Từ những cuộc khủng hoảng, chia rẽ ở Liên Xô và Đông Âu, Kosovo đến xung đột sắc tộc Myanmar hay Bangladesh...đều bắt nguồn từ âm mưu khoét sâu kỳ thị, chia rẽ cộng đồng. Tại Việt Nam, chúng triệt để lợi dụng biến không gian mạng thành “địa bàn chống phá”, tán phát các nội dung có tính kỳ thị như “Parky”, “Namki” (được một bộ phận người dùng tạo nên dựa trên từ “Bắc kỳ” và “Nam kỳ”)… để kích động mâu thuẫn xã hội. Các đối tượng này còn vu cáo Nhà nước ta “áp bức dân tộc thiểu số”, “xóa lịch sử”, “phân biệt đối xử”… Những luận điệu ấy không những sai trái mà còn đi ngược lại Hiến pháp 2013 – nơi khẳng định rõ: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”. Bất kỳ hành vi nào gây chia rẽ, kỳ thị dân tộc đều bị pháp luật nghiêm trị theo Điều 116 Bộ luật Hình sự, với mức phạt tù lên đến 15 năm.

Ngoài ra, các hành vi tung tin giả, bịa đặt, xuyên tạc trên mạng xã hội cũng bị xử phạt nghiêm theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, với mức phạt lên tới 30 triệu đồng, chưa kể xử lý hình sự nếu có hậu quả nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, người dân Thái Bình cần nâng cao cảnh giác, không chia sẻ, lan truyền thông tin chưa được kiểm chứng, nhất là các nội dung kích động kỳ thị vùng miền liên quan đến sáp nhập tỉnh. Thay vào đó, mỗi người hãy trở thành “người truyền lửa tích cực”, lan tỏa tinh thần đoàn kết, cùng tỉnh nhà bước vào giai đoạn phát triển mới, văn minh hơn, bền vững hơn.

Sự đồng thuận của nhân dân chính là sức mạnh to lớn nhất để Đảng và Nhà nước thực hiện thành công chủ trương sáp nhập, vì một Việt Nam vững mạnh, thống nhất, hùng cường./.

Theo: conganthaibinh.com.vn