Thứ 3, 20/05/2025, 17:26[GMT+7]

Trường Sa - trường tồn giữa biển khơi Kỳ 2: Gạc Ma - khúc tráng ca bất tử

Thứ 3, 20/05/2025 | 09:03:01
498 lượt xem
37 năm về trước, ngày 14/3/1988 tại bãi đá Gạc Ma, trong một cuộc chiến không cân sức, dưới làn mưa đạn của kẻ thù, 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Để rồi hôm nay, mỗi khi đoàn công tác từ đất liền ra thăm quần đảo Trường Sa, khi đi qua vùng biển Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma đều tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc trên vùng biển Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma.

Tiếng nhạc hồn tử sĩ trầm hùng vang lên như tiếng vọng từ cõi thiêng thấm sâu vào tâm can. Tất cả lặng lẽ nghiêng mình, tưởng nhớ những người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng ngã xuống vì chủ quyền biển, đảo thiêng liêng. Những nén hương thơm, vòng hoa tươi thắm, những cánh hạc giấy trắng tinh khôi nhẹ nhàng thả xuống biển xanh, gửi gắm niềm tiếc thương vô hạn đến những linh hồn bất tử. Những giọt nước mắt nghẹn ngào, nỗi xúc động lan tỏa, khóa chặt trái tim mỗi thành viên trong đoàn công tác. 

Chị Bùi Thị Hoa, Bệnh viện Châm cứu Trung ương chia sẻ: Dự lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma có lẽ là cảm xúc đặc biệt trong cuộc đời. Khi nghe đại diện Quân chủng Hải quân nói về lịch sử cuộc chiến đấu quả cảm của cán bộ, chiến sĩ hải quân giữ đảo Gạc Ma; khi âm thanh của bài hồn tử sĩ cất lên vang vọng giữa biển trời mênh mông, khoảnh khắc đó thật linh thiêng và xúc động. Trong tim tôi trào lên một cảm xúc thật mãnh liệt, những giọt nước mắt cứ trào ra. Tôi mường tượng về hình ảnh những người lính trẻ tuổi, kiên cường cứ lần lượt ngã xuống để bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng giữa biển khơi. Thật cảm phục và tự hào những người chiến sĩ ưu tú của dân tộc, họ đã không tiếc máu xương, sẵn sàng hy sinh thân mình để cho Trường Sa mãi trường tồn. 

Đảo Cô Lin.

Chị Hoàng Ngọc Ánh, phóng viên Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội tâm sự: Tôi thực sự xúc động khi dự lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại vùng biển Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma. Tham gia đoàn công tác ra Trường Sa và chứng kiến lễ tưởng niệm linh thiêng, xúc động này là một kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời làm báo của tôi. Giữa trùng khơi sóng nước, tôi thầm cảm ơn và trân trọng những cống hiến, sự hy sinh xương máu của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam. Tôi tự nhủ bản thân phải cố gắng, nỗ lực rèn luyện để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ hòa bình, độc lập của Tổ quốc. 

Lật lại trang lịch sử hào hùng của Hải quân nhân dân Việt Nam, ngày 14/3/1988, các lực lượng tàu chiến hùng hậu có trang bị vũ khí hiện đại của nước ngoài đã ngang nhiên, bất chấp công lý và lẽ phải, bất ngờ tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải và đánh chiếm một số đảo đá ngầm của ta tại vùng biển thuộc các đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma. Với ý chí quyết tâm “Bảo vệ biển đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh trái tim của người lính”, các lực lượng hải quân là cán bộ, chiến sĩ các tàu vận tải và lực lượng công binh xây dựng đảo, trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh nhưng đã mưu trí, sáng tạo, thực hiện nghiêm đối sách, bình tĩnh khôn khéo trong xử lý các tình huống để giữ vững chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Tuy nhiên, với mưu đồ độc chiếm biển Đông, kẻ thù hung hăng nổ súng tấn công bộ đội của ta. 

Trong giờ phút sinh tử, trước họng súng quân thù, các chiến sĩ đã nắm chặt tay nhau tạo thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc. Trong số ấy có Thiếu úy, anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước sự tấn công của kẻ thù vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, bảo vệ đảo, giữ vững lá cờ Tổ quốc. Trước lúc hy sinh, anh đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình và dõng dạc tuyên bố: “Không được lùi bước. Phải để cho máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng Hải quân”. Đó là Thiếu tá, anh hùng lực lượng vũ trang Vũ Huy Lễ, trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy tàu HQ 505 vừa chiến đấu vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm. 

Cờ Tổ quốc phất lên trong mưa đạn 

Phút cuối cùng đảo đá hóa biên cương 

Họ đã lấy thân mình làm cột mốc 

Chặn quân thù trên biển đảo quê hương. 

Kể sao cho hết những tấm gương hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Hải quân ta trong sự kiện năm ấy. Ngày 14/3/1988 đã trở thành một khúc tráng ca bất tử trong lịch sử đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Dù đối mặt với kẻ thù vượt trội về vũ khí và quân số, các anh vẫn quyết tâm giữ vững lá cờ Tổ quốc, tạo nên biểu tượng “Vòng tròn bất tử” giữa biển khơi. Đại tá Nguyễn Duy Thiều, Phó Chủ nhiệm Hậu cần - Kỹ thuật Hải quân cho biết: Mỗi lần đoàn công tác từ đất liền ra Trường Sa, khi đi qua vùng biển Gạc Ma, các thành viên đều tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, trong không khí trang nghiêm và xúc động, hàng trăm người đã cùng nhau thả hạc giấy và những bông hoa xuống biển khơi, hòa vào sóng nước như những lời nhắn gửi từ hậu thế rằng đất nước này không bao giờ quên các anh, những người đã dùng máu của mình để tô thắm lá cờ Tổ quốc. 

Dù thời gian dài bao nhiêu, lịch sử có đổi thay, sự kiện Gạc Ma vẫn là khúc tráng ca bất tử trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam. Dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng không lùi bước, không sợ hy sinh, quyết bảo vệ đến cùng từng tấc đất, sải biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Thả vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ biển đảo của Tổ quốc tại vùng biển Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma.

(còn nữa)

Đỗ Hồng Gia

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày